Danh sách OCOP Yên Bái
10 sản phẩm OCOP của Yên Bái xuất khẩu sang Anh
Sau gần 4 năm triển khai, đến nay, toàn tỉnh Yên Bái có 193 sản phẩm đã được cấp chứng nhận OCOP, trong đó có 21 sản phẩm đạt 4 sao và 172 sản phẩm đạt 3 sao cấp tỉnh. Các sản phẩm thuộc 4 nhóm ngành là thực phẩm, thủ công mỹ nghệ, trang trí, thảo dược, đồ uống và sản phẩm dịch vụ du lịch nông thôn. Có gần 1.000 lượt doanh nghiệp và hơn 600 lượt sản phẩm OCOP được quảng bá trên các sàn giao dịch thương mại điện tử của tỉnh.
Riêng trong năm 2022, Yên Bái đã công nhận 59 sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn 3 sao và 4 sao. Năm 2023, tỉnh dự kiến công nhận 129 sản phẩm, bao gồm 66 sản phẩm tham gia mới); năm 2024 công nhận 101 sản phẩm (48 sản phẩm tham gia mới) và năm 2025 sẽ có thêm 26 sản phẩm mới, nâng tổng số sản phẩm OCOP toàn tỉnh đạt từ 3 sao trở lên là 315 sản phẩm.
Trong đó, huyện Văn Yên dự kiến dẫn đầu với 51 sản phẩm, tiếp đến là huyện Trấn Yên (47 sản phẩm), Văn Chấn (46 sản phẩm), Yên Bình (39 sản phẩm), Lục Yên (35 sản phẩm), thành phố Yên Bái (31 sản phẩm), Mù Cang Chải (28 sản phẩm), thị xã Nghĩa Lộ (21 sản phẩm) và Trạm Tấu (17 sản phẩm).
Đặc biệt, từ năm 2024 đến năm 2025 mỗi năm tỉnh sẽ phấn đấu có 1 sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn 5 sao, gồm 1 sản phẩm của huyện Văn Chấn và 1 sản phẩm của huyện Trấn Yên.
Mới đây nhất, tỉnh Yên Bái vừa có 10 sản phẩm OCOP đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng được xuất khẩu sang thị trường Vương quốc Anh gồm: trà quế, chè xanh, trà Shan tuyết, miến đao, quế điếu thuốc…
Để sản phẩm OCOP phát triển bền vững hơn nữa, UBND tỉnh Yên Bái vừa ban hành Quyết định số 801/QĐ-UBND ngày 23/5/2023 điều chỉnh, bổ sung một số nội dung tại Quyết định số 1633/QĐ-UBND ngày 21/9/2022 của Chủ tịch UBND tỉnh về việc phê duyệt Đề án Chương trình OCOP tỉnh Yên Bái giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030.
Theo đó, đặt mục tiêu đến hết năm 2025, toàn tỉnh có ít nhất 300 sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn từ 3 sao trở lên; có ít nhất 20 sản phẩm đạt 4 sao; có từ 1-2 sản phẩm đạt 5 sao; có từ 15-20 sản phẩm OCOP của tỉnh xuất khẩu ra nước ngoài.
Kinh phí thực hiện đề án là 23,7 tỷ đồng, trong đó nguồn ngân sách nhà nước 19,6 tỷ đồng, kinh phí lồng ghép 4 tỷ đồng, kinh phí từ nguồn khác 180 triệu đồng.
Để hiện thực hóa các mục tiêu này, tỉnh Yên Bái cho biết sẽ tiếp tục củng cố, nâng cao chất lượng, mở rộng quy mô và thị trường tiêu thụ sản phẩm OCOP hướng đến xuất khẩu; đưa chương trình OCOP đi vào chiều sâu, gắn phát triển nông nghiệp với các ngành kinh tế khác.
Bên cạnh đó, các địa phương ở tỉnh đang cơ cấu lại vùng sản xuất, đổi mới tổ chức sản xuất, đẩy mạnh thành lập các hợp tác xã, tổ hợp tác, tiến hành điều tra, khảo sát thực trạng sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm OCOP, qua đó nâng cao chất lượng và giá trị cho các sản phẩm này. Ngoài ra, tỉnh cũng chỉ đạo các ngành, địa phương tích cực hỗ trợ, hướng dẫn các doanh nghiệp, hợp tác xã đẩy mạnh xúc tiến thương mại và chuyển đổi số.
Sở Công Thương Yên Bái sẽ tăng cường cung cấp thông tin về dự báo thị trường đối với các sản phấm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh; chủ trì, tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại, giới thiệu sản phẩm nông nghiệp của tỉnh đến các tỉnh, thành phố trên cả nước; tìm kiếm nguồn tiêu thụ ổn định cho nông sản của tỉnh.
Trả lời